THẾ GIỚI NÀY ÐÃ TỪNG CÓ MỘT CÁI RỐN NHƯ THẾ!

 

( Nhan đề hơi dài, ai thích ngắn gọn xin cứ việc tỉa bớt )

 

 

 

 

 

请阅读吳文赖老师佳作 * Xin mời đọc một số tác phẩm cuả Giáo Sư Ngô Văn Lại.

 

 

Tặng HQT, LTM, THH, CQV.

*
* *

 

Dân gian có câu "Rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà", có nghĩa là bị rắn mai gầm cắn, nạn nhân chầu tổ tức thì, rắn hổ mang cắn thì còn đủ thì giờ trối trăng nầy nọ.

Nói thật lòng, tôi vẫn nghi nghi độ chính xác của kinh nghiệm nọ, định kiểm tra cho ra ngô ra khoai nên đã tìm hỏi khá nhiều chuyên gia từng nhấm nháp rượu ngũ xà, rau ráu xơi rắn mười món hoặc thưởng thức xúp rắn đặc sản ở lắm nhà hàng nhiều sao Nhật Bản, Mã Lai, v.v… họ toàn là những người ê hề kinh nghiệm về rắn địa phương lẫn rắn quốc tế.  Té ra tôi hoàn toàn lạc hướng vì những người ấy rất rành về mùi vị chứ chẳng mấy khi nhìn thấy rắn trong cuộc sống tự nhiên của chúng, thậm chí họ còn không phân biệt nổi rắn đực với rắn cái, rắn trẻ với rắn nạ dòng, tức rắn sồn sồn, làm bố mẹ vài lứa.

Cuộc tìm hiểu của tôi chưa có được tí tẹo kết quả nào thì chính tôi đã để cho hai chú mai gầm lần lượt bò qua... chiếc rốn của mình.

Chuyện xảy ra ở Khánh Hòa vào năm 1978.  Bấy giờ cả trường trung học Hoàng Hoa Thám đi lao động dài ngày cho một trại lợn giống ở vùng Suối Dầu.

Cứ bốn con người sắp hưởng "vinh quang" thì được phân phối cho một ngăn chuồng.  May mà cả trại chưa có chú lợn nào nhập hộ khẩu, bằng không thì thật vô phước.

Trời thật oi bức.  Nhận "phòng trọ" xong, tôi trút nhanh cả áo ngoài lẫn áo trong, khom người chui ra, lững thững quan sát cảnh vật chung quanh.

Ðồng hoang cỏ úa trải dài tận các chân đồi xa xa.  Lác đác đó đây nhiều lùm cây dại xơ xác.  Một ngôi nhà mới xây sơ sài, cửa khóa kín.  Phía trước có trồng mươi gốc xoài chừng ba bốn năm tuổi.  Ở đó có một tốp nữ sinh lăng xăng lúi húi lo bữa trưa.  Cạnh đấy mới mắc một chiếc võng trống trơn, chưa có… ngài ngự nào.

Tôi thèm nằm muốn chết nhưng phải cố ghìm nén bằng bộ dạng ung dung làm như tình cờ tạt qua bắt gặp có võng thì nằm chơi tí chút.  Nguyên từ ô chuồng tạm trú của tôi, muốn ngự lên võng phải vượt quãng cách ngót vài trăm mét, tôi mà láu táu thì tứ phía nhìn vào trông chẳng còn ra thể thống gì.

Thấy các cô đang nhặt rau, đãi gạo, tôi đùa:

- Ðừng nấu phần thầy nhé!  Thầy đau bụng.

Một cô lém lỉnh:

- Sao không thấy thầy nhăn nhó gì hết vậy?  Chắc là đau lưng hả thầy?

- Giỏi đó.  Sang năm cố thi vào trường Y nhé!  May ra thiên hạ đỡ phải tiền mất tật mang nghe!

Vừa nói tôi vừa đặt mình với tư thế thỏai mái.  Tôi không dám hưởng thú đong đưa kẽo kẹt vì nhận ra dây treo hơi cũ, không đáng tin cậy.

Thấy việc nấu nướng của các cô sắp xong tôi đứng lên, vươn vai:

- Thầy hết bệnh rồi.  Cảm ơn em nào có sáng kiến mang theo võng.

Vẫn cái cô lém lỉnh lúc nãy:

- Thầy cứ nghỉ đi ạ!  Võng của em đó.  Ăn xong em mới cần.

- Cảm ơn.  Thầy đã có chỗ nằm êm hơn rồi.

Tôi đi vòng qua một đống cành lá ngổn ngang.  Ai đó đã đốn bớt ba bốn cây xoài từ tuần trước thì phải.  Bên kia đống bừa bộn ấy là một vạt cỏ thật xanh.  Có lẽ ngôi nhà đã ngăn chặn bớt nắng chiều.  Bóng xoài lại vừa dời về đó nên càng tăng phần mời gọi.

Tôi vừa đặt lưng lên thảm cỏ nhung thì các cô đã chí chóe tranh nhau nằm võng.  Cuối cùng phải nhờ đến biện pháp oẳn tù tì.

Ðã có vài hơi gió hiu hiu.  Người tôi như dại hẳn ra trong trạng thái lơ mơ.

"Phụt!  Rào… ào… ào!"

Tôi tỉnh người lập tức.  Chiếc võng đã ném hai cô gái lên đống lá xoài.

Tôi chỉ mới thoáng nhận ra sự cố, định nhỏm dậy chia buồn thì nghe rốn mình lạnh nhũn một cách ma quái.  Hai chú mai gầm trong đống lá cành phóng ra, phi nước đại qua... rốn tôi, đầu chú nào cũng nghểnh cao cả tấc!  Loài rắn dù độc hay lành đều có chung tập tính ngộ nghĩnh là lúc sợ hãi chúng không hề cúi đầu như loài người mà tự động vươn cao theo bản năng tổ tông.  Có lẽ chúng hành động như thế để bảo vệ cho đầu khỏi va chạm quây choáng.  Ðấy chính là lúc loài hổ mang chúa (king cobra) hù dọa người ta bằng đôi mắt kính rợn gai ốc.

Hai chuỗi khoang đen vàng trườn bằng vận tốc tối đa, vượt qua rốn tôi, cuống quít lao vào mấy cụm cây dại mất hút.  Nhiều năm về sau, nhớ lại cái cảm giác lành lạnh, rờn rợn ấy, tôi nghiệm ra một điều thú vị.  Ðó là hai chú rắn thông thái có thừa, hiểu câu thành ngữ "cắn rốn sao kịp"
( 咬臍何及 ) tận cả nghĩa đen chớ không thèm hiểu theo nghĩa bóng mơ hồ lẻ tẻ.

Hai nữ sinh bị võng vứt đi, đang lóp ngóp bò dậy, trố tròn mắt nhìn tôi như bắt gặp... người dĩa bay mới bước ra.  Họ bước giật lùi một cách khó nhọc hệt như các tù nhân chân đeo tạ xích.

Suốt mấy ngày sau, chẳng ai treo lại chiếc võng.  Phần tôi, cứ mỗi dịp kỳ cọ hay xoa dầu, nhìn rốn mình, bất giác tôi cảm thấy... hơi nể nể.

- Rốn ơi!  Xin bái phục!

 

Giáo Sư Ngô Văn Lại  吳文赖老师  <photo>

Tháng 10, 2006, Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

***  投稿電子郵件請寄 ***

Bài vở, hình ảnh xin gởi về Ban Phụ Trách KHAIMINH.ORG

 

VanNgheGiaiTri@KhaiMinh.org