DÒNG ĐỜI DUN RỦI:  TẠI CÁI CHỮ KÝ

 

 

 

 

Nếu có ai đó động máu tò mò đột nhiên hỏi tôi:

 

-         Thưa cụ, ngày xưa vì lẽ gì cụ chọn Viện Hán Học Huế để theo học ạ?

 

Nhất định là “cụ” chẳng ngần ngừ một “sát na”* nào để lùng sục lục lọi ký ức mà trả lời xong béng cái rụp:

 

-         Truy tận ngọn nguồn thì có lẽ do cái chữ ký của lão hồi ấy dẫn dây dắt nhợ tạo ra cớ sự…

 

Nguyên vào năm 1951, tôi được bầu làm Phó bí thư ở Khánh Thọ, tôi bèn hăm hở, hùng hổ, hung hãn rồi hả hê luyện một chữ ký rất mực hoành tráng và cực kỳ bay bướm cho xứng đáng với… “cương vị chính trị” của mình. Cũng có lúc tôi ham hố, hùng hục ký riết một lèo có đến cả nghìn chữ rất chi ư là hí hửng, hồ hởi hẳn hoi.

 

Luyện chữ ký đương nhiên là thứ tệ nạn thiên hạ đã đầy nhan nhản nhưng việc luyện thật say sưa, tích cực của tôi vào thời ấy nhất định đáng coi là có đẳng cấp dễ nể, không… là sư tổ hay sư bá thì cũng vào hàng sư phụ, chứ nếu chỉ coi tôi là hạng sư thúc, sư huynh, sư diệt v.v… thì tôi sẽ kiện tới bến bao nhiêu loại toà kể từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tối cao v.v… Nói chung là tôi đụng đâu ký đấy, ly nước tạt ra bàn vũng nhỏ nhỏ cũng đủ gợi hứng cho tôi chấm nước vào đầu ngón tay ký bừa phứa, chữ nọ chưa kịp khô hẳn, chữ kia nối tiếp liền tay  (tất nhiên là  ôi còn phải tạt thêm mấy tạt nữa mới thoả… cơn nghiện!). Đi dạo ven sân, bất chợt phát hiện một chỗ đất nào đó hơi mịn mịn, (điều kiện tất yếu là không có phân gà vịt) tôi sà xuống chuyển ra tư thế ngồi xổm rồi gạt, ký, gạt, ký, khi dùng que, khi dùng đầu ngón tay trỏ, cứ thế cho đến lúc tê chân, mỏi gối mới tàn cuộc. Rồi còn là phấn trắng ký lên bảng đen, than đen ký lên vách trắng, mũi dao ký lên vỏ cây, vân vân và vv…

 

Có gã bạn học ngồi cùng bàn, thấy tôi ký đầy vở nháp, ngứa mắt xong quay ra ngứa mồm, phán một câu nghe mới dễ ngứa gan:

 

-         Ký kiểu nầy, nhứt định mầy … ở tù không dưới bốn lần đâu!

 

Với một kẻ duy vật trên mức trung bình như tôi hồi ấy, gã phán nhảm nhí đến thế thì mặc xác cho gã nghe lấy một mình chứ đừng hòng tôi mê tín mê tơi gì ráo! Tức là tôi vẫn tiếp tục ký, ký và ký. Chỉ có điều làm tôi phải ngậm ngùi thở ngắn thở dài tự chia buồn với mình là chả có dịp nào tôi được vung tay múa chữ ký ngon lành ấy của mình cho đã đời vì mọi văn bản lớn nhỏ lẫn vừa vừa đều bị lão Đoàn trưởng đích thân ký tất tần tật và vô cùng chuyên nghiệp. Lão vốn là cán bộ Tây Nguyên - về trường để nâng cao văn hoá - tuổi lớn gấp rưỡi tuổi tôi, vậy mà quanh năm ngày tháng chả thèm ấm đầu, sổ mũi, viêm xoang lấy một bữa cho ra vẻ (ngay đến vi trùng sốt rét cũng đầu hàng lão ta mới thật là lạ đời!). Cơ sự ấy làm cho cái chữ ký hoành tráng bay bướm, huê dạng có thừa của tôi đành cam bề xếp xó. Mãi khi bỏ học về quê, làm vài ba chức vụ vớ vẩn tôi mới có cơ hội ký vung vít thật thoả chí bình sinh.

 

Lời phán của gã bạn “khủng bố không liều chết” ngồi cùng bàn hồi ấy hình như hắn mở máy phát gặp phải giờ linh hay sao mà hoá ra ứng nghiệm lần lượt, tôi ở tù sạch cả bốn bận chẳng thoát trận nào: 1952, 1955, 1956, 1958 đến nỗi Sở Lục hình1 của mật thám Pháp ở Đà Nẵng đã ưu ái cất hộ tôi cả mớ danh bản2, chỉ bản3 có đến 60 dấu lăn tay đầy ắp chất lượng nghệ thuật vào cái năm 1952 ấy nữa.

 

Sống chung với bốn khối tiền sự kềnh càng vướng víu đến thế tôi khó hòng chui lọt cửa xin việc nào, đành tự cho mình… nghỉ phép dài hạn giữa hai lần đi tù. Trong thời gian “nghỉ phép” ấy, tôi “cam tâm tình nguyện” làm môn đồ "ruột" cho đại gia Blaise Pascal (1623-1662) nên vận dụng triệt để câu phát biểu ngon lành nhất của "luý": "Tôi là cây sậy, mà là cây sậy biết suy nghĩ" tức là hễ nghe tiếng gió phải lập tức xiêu theo ngay mới khỏi gẫy cho nên khi thì tôi ngoan ngoãn khoanh tay nghe ông Ban ngày chửi ông Ban đêm, khi thì hồ hởi nghe ông Ban đêm rủa ông Ban ngày, thỉnh thoảng ông Ban đêm ngẫu hứng còn nhờ cậy tôi đi tô khẩu hiệu to đùng trên mặt quốc lộ, chỉ cách đồn Cầu Đỏ một khúc quanh chừng một cây số, vì vậy luôn phải dỏng tai để cảnh giác thì ít mà để nhận ra tim mình lúc lắc lì lợm trong lồng ngực thì nhiều. Có khi hai chú cháu nhà tôi co ro giữa gió khuya lạnh căm căm mỗi đứa giữ một đầu, lập cập leo lên nóc cầu sắt treo băng rôn hoan nghênh, đả đảo nầy nọ, coi hai bót gác ở hai đầu cầu như đồ vô hình (giữa đêm khuya trời lạnh, tôi làm cho hai bốt gác ấy vô hình còn dễ hơn nhà ảo thuật đẹp trai nọ xứ Cờ Bông làm biến mất nữ thần Tự Do ở vịnh Hudson). Bọn lính tráng ở hai bốt gác bấy giờ cóc thèm tuần tra canh phòng gì cho rầy rà, cứ lo chụm đầu đánh bạc cháy túi rồi lăn ra ngủ thẳng cẳng, chỉ việc gần sáng mới nhớ dậy thật sớm ra giữa cầu lẳng lặng tháo xuống là êm ru bà rù! Đưa bốn nhát dao phựt!  phựt!  phựt!  phựt!  đâu lại hoàn đấy, quan to quan bé chẳng kỷ luật kỷ liếc gì cho rách việc.  Lão trung sĩ Phòng Nhì - trung sĩ Hải, cao 1,85m - của Đại đội lính Cao đài đồn trú bảo vệ cầu nọ có lần đứng đối diện tôi qua lưới bóng chuyền, nghiêm mặt bảo nhỏ vừa đủ cho riêng tôi nghe: “Đừng ẩu nữa nghe cha! Tóm cổ cha tại trận dễ như đập banh! Hẹn cha ngày lễ Việt cọng lần tới!”. Tôi toát mồ hôi lạnh, gật nhẹ để tạ ơn tha mạng, biết là có giở trò “mồm loa mép dãi”, đòi hỏi bằng chứng bằng cớ nầy nọ chỉ chuốc hại cho mình.

 

Ở hoàn cảnh ấy, tôi nghỉ đi suy lại thấy mình chỉ còn cánh cửa hẹp để bon chen mưu sinh với đời là chọn nghề hớt tóc hay thợ may gì đó.

 

Tôi còn đang cân nhắc việc nên mua sắm tông đơ hay đèn cầy thì đã bị nhiều người biết chuyện, đến  tận nhà phản đối rầm trời! Chả là vì hồi giã từ chốn chiến khu thơ mộng - nơi tôi từng thưởng thức những cuộc nhịn đói maratông (khi nước lũ hung tợn chốn rừng sâu ngáng đường đi lĩnh gạo) - tôi dựa vào Điều khoản gì đó của Hiệp định Giơ-neo quy định đại khái hai bên không được trả thù lẫn nhau  tôi về lại quê nhà chỉ mang theo trình độ học lực quá ư còm cõi của lớp Sáu thời chiến, rồi lần lữa, ít lâu sau…ngứa ngáy chuyện sách đèn, tôi đạp xế điếc đều đặn ngày ngày đi Đà Nẵng học phất phơ mấy tháng trường tư, tính ra chưa bằng con cái người ta học ráng thế mà bợ ngay về cái "đíp lôm" ngon ơ khiến cho các chú nhóc trong làng lé mắt hăm he rằng chỉ cần cơm mắm canh rau ít lâu cho phép mình nhỉnh nhỉnh thêm vài ba tuổi cùng năm bảy ký hơi nữa là thừa sức noi gương, rượt đuổi rồi vượt qua ông anh lếu láo một phát thật ngon lành ngoạn mục! Vậy mà ai ngờ tôi đang tâm phá bĩnh, đem nghề hớt tóc làm thứ mìn giật nổ con đường phấn đấu tiến bộ của con cháu họ, làm văng miểng tùm lum, đời nào họ chịu để yên cho tôi tự tung tự tác ẩu tả đến thế?

 

Người ta giận tập thể như vậy, gan tôi có to như gan voi cũng phải co vòi. Nhiều đêm dài gác tuốt hai tay lên trán, nghĩ ngợi thật chán chê, tôi phát hiện ra một chân lý đáng giá: người ta phản đối ầm ầm chưa hẳn vì tôi giở trò chơi bẩn, ngông nghênh phá bĩnh cái tinh thần hiếu học thơm ngào ngạt của con cháu họ mà rất có thể còn do ở số phận của tôi chả thể nào… đè đầu vít cổ nổi một ai!

 

Xem ra tôi còn một hướng vớt vát: nghề thợ may. Tôi cho là bất kỳ cô gái xinh xắn, thuỳ mị, nết na nào khi nghe một chàng trai, trông bộ vó chẳng đến nỗi ẹ, tự giới thiệu mình làm nghề thợ may ắt nghe du dương ngọt lịm hơn chán vạn chàng tự nhận mình chuyên nghề… thợ húi!

 

Đang phấn khởi vì tưởng mình đã tìm ra ánh sáng cuối đường hầm bỗng nhiên tôi giật thót người! Trời ơi là trời! Sao tôi lại lú lẫn như vậy được hở tôi? Làm nghề thợ may mà dám tưởng là hay ho lắm ư? Làm sao tôi lại quên tiệt cái chuyện đã từng có đến ba ông anh họ là thợ may ngon lành đột nhiên biến ra… thợ rủi ngang xương chỉ trong một ngày càn quét của lính Tây đen rạch mặt. Cả ba cùng bị coi là du kích, bị bắt làm tù binh, được “trao trả” năm 1953 rồi cuốn thẳng một lèo không thấy quay về làng nữa. Câu tục ngữ “chẳng chọn lối quang, đâm quàng bụi rậm” nhất định người đời đặt ra cốt để giải thích ý định chọn nghề thợ may của tôi!

 

Ba ông anh họ của tôi trở thành tù binh là cả ba tấm gương tày liếp mà tôi phải luôn soi vào, mặc dù lỗi gốc là do ở đầu óc lộn xộn của đám Tây đen đi càn ngày ấy: Thợ may thì chỉ biết cầm cây kim bé tí tẹo tì teo, ai thèm ham làm gì chuyện cầm khẩu súng to đùng? Họ quen chễm chệ kê bàn toạ của mình chỗ sạch sẽ, lại giữ y phục tinh tươm cốt sao cho ai nhìn đến đều thèm may ngay một bộ y chang thì cớ làm sao họ lại chịu đâm sầm vào ba cái vụ bò, lết, bươn, lội … cho đặng? Đích thị là gặp phải Tây đen thì chớ mong gì có vận đỏ, thợ may hoá ra "thợ rủi" là chuyện cầm chắc. Tôi đành cáo lỗi ông Tổ thợ may vậy. Tôi cụ thể hoá thái độ nầy bằng hành động cụ thể: Mỗi lần ông thợ may cạnh nhà cúng Tổ vào dịp cuối năm, tôi bịa cớ tào lao nầy nọ để đạp xe quanh quất, canh đúng giờ cúng xong, bày bàn, so đũa, tôi tót về ngồi vào chỗ cuối cùng và nâng ly kịp lúc.

 

Trong tình hình như vậy, nghị định thành lập Viện Hán Học Huế ra đời, tôi đọc gần xong là nhào vào bám tòn teng đến đâu thì đến, coi như đó là phao cứu sinh ném cho người gặp “nạn nước”!

 

Diễn đạt theo dạng phương trình, tôi có quyền viết:

 

Vô kế sinH nHai + cHữ ký  >  Viện Hán Học Huế

hoặc:   V + 3H  >  VH3

(Các chữ vụn đi kèm, thực chất chỉ làm xúc tác)

 

 

 

Giáo Sư Ngô Văn Lại 吳文赖老師

Việt Nam, Tháng 01, 2013

 

 

* Sát na: Từ ngữ Phật giáo Ksana chỉ  đơn vị đo thời gian nhỏ nhất. Theo Hoa nghiêm thám huyền ký thì khi thực hiện một cú búng ngón tay, người ta phải mất lượng thời gian 60 sát na. Một cái nháy mắt mất 40 sát na. Kinh Nhân vương Hộ quốc Bát nhã chép rằng một ý niệm nảy sinh tốn thời gian 90 sát na và qua mỗi sát na, trong ba nghìn đại thiên thế giới trong vũ trụ này xảy ra 900 vụ sinh ra và chết đi.

 

  1. Sở Lục bình:  Cơ quan lưu trữ hồ sơ nghi can của ngành An ninh.
  2. Danh bản: Thẻ ghi tên tuổi, quê quán.
  3. Chỉ bản: Thẻ lưu trữ dấu vân tay

 

 

 

 

 

请阅读吳文赖老师佳作 * Xin mời đọc một số tác phẩm cuả Giáo Sư Ngô Văn Lại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*** 投稿電子郵件請寄 ***

Bài vở & hình ảnh xin gởi về Ban Phụ Trách KHAIMINH.ORG

 

VanNgheGiaiTri@KhaiMinh.org

 

 

 

 

 Copyright © 2004 - Present KHAIMINH.ORG | Website Disclaimer